Trẻ em bị điếc nếu không được chữa trị có thể gây ra những biến đổi, hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển ngôn ngữ, tư duy, những rối loạn về nhân cách của trẻ. Việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩ vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị điếc nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có khả năng phục hồi thính giác, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi.
Nếu đã phát hiện bé bị điếc, cần đưa trẻ đi chuyên khoa thính học và phải điều trị sớm để giảm tác hại do điếc. Tùy theo từng nguyên nhân gây giảm thính lực mà cách điều trị sẽ khác nhau.
Nội dung bài viết
Bệnh điếc ở trẻ em là gì?
Điếc là giảm sút sức nghe ít hoặc nhiều. Trẻ em bị điếc không nghe được nên không học nói được. Tình trạng điếc nếu không được điều trị còn gây ra những biến đổi, hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển ngôn ngữ, tư duy, những rối loạn về nhân cách của trẻ.
Những trẻ bị điếc nặng, nhất là trẻ dưới 3 tuổi do không tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh, sẽ không biết nói, được gọi là câm – điếc.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây điếc cho trẻ em, trong đó những nguyên nhân cơ bản sau:
- Do di truyền: Gen câm điếc nằm trên nhiễm sắc thể thường, di truyền do gen trội hay gen lặn đều có thể dẫn đến điếc.
- Do nguyên nhân mắc phải khi người mẹ khi mang thai đã dùng thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid hoặc do tai biến khi sinh đẻ như sinh non, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng tai, viêm màng não…
Triệu chứng và dấu hiệu điếc ở trẻ em
Triệu chứng bệnh điếc ở trẻ được diễn ra theo từng giai đoạn và độ tuổi của trẻ.
Độ tuổi | Triệu chứng |
Dưới 1 tuổi | · Không nhìn theo hoặc quay đầu về phía phát ra âm thanh
· Không tỉnh giấc khi nghe tiếng ồn · Không phản ứng (giật mình, nhắm/mở mắt) khi nghe tiếng động lớn, đột ngột. |
Từ 1 – 1,5 tuổi | · Trẻ vẫn không biết tên mình, không phân biệt được các bộ phận, đồ vật khi được gợi ý
· Chưa nói được một số từ đơn như “bà”, “mẹ” thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại. |
Tuổi nhà trẻ, mẫu giáo | · Chậm biết nói, khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, chẳng hạn trẻ đã 2 tuổi mà chưa biết nói câu đơn giản
· Có vẻ không chú ý khi người khác nói, không làm theo các yêu cầu (như cầm lên vật gì đó) do không nghe, không hiểu · Thông thường, trẻ 2 tuổi phải biết làm theo những yêu cầu đơn giản mà không cần gợi ý bằng hình ảnh hay hành động · Trẻ phát triển mạnh ngôn ngữ nét mặt và điệu bộ, hoặc dễ cáu gắt, hung dữ (do khó giao tiếp, khó hiểu ý người khác và làm người khác hiểu mình). |
Tuổi đi học | · Trẻ nói rất to, hay dùng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ
· Diễn đạt khó khăn, hay phát âm sai · Thiếu tập trung, hay lơ đễnh · Học kém, chậm tiếp thu, thiếu vâng lời · Một số trẻ ít nói, ngại giao tiếp hoặc cáu kỉnh. |
Khi trẻ có một số triệu chứng kể trên, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám Chuyên khoa thính học để được làm các Test thính lực (đo sức nghe).
Cách chẩn đoán trẻ có bị điếc hay không?
Việc phát hiện sớm bệnh điếc ở trẻ em là rất quan trọng giúp cho việc đề ra phương hướng điều trị, phục hồi hoặc giáo dục sớm để có hiệu quả cho trẻ bị giảm hay mất chức năng nghe.
1. Với trẻ sơ sinh
Phát hiệm sớm khả năng nghe dựa trên cơ sở phản xạ nghe – cử động trong ngày đầu khi trẻ được sinh ra là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Nên làm ngay ngày thứ 1 – ngày thứ 3 sau đẻ, vì khi trẻ còn ở trong buồng sơ sinh mức độ nhạy cảm với âm thanh cao, kết quả chính xác hơn.
Có thể sử dụng các dụng cụ đơn giản như: chuông, còi… đã được chuẩn hóa hay máy sàng lọc điếc sơ sinh (OAE-ABR) để sàng lọc điếc.
Nếu trẻ nghe được sẽ có những phản xạ như: co giật, cử động tay chân, khóc hay chớp mặt… tùy theo tình trạng phản ứng của cơ thể và mức cường độ âm thanh tiếp nhận được.
Với trẻ được 5 tháng tuổi
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: không phản ứng với tiếng động lớn đột ngột. Không bị đánh thức bởi tiếng ồn, không xoay đầu theo hướng giọng nói của người thân, không làm theo hoặc không hiểu các hướng dẫn của cha mẹ… thì cần phải đưa trẻ đi chuyên khoa thính học để kiểm tra mức độ nghe.
Với trẻ dưới 8 tháng tuổi
Trẻ không giật mình khi nghe tiếng vỗ tay to từ khoảng cách 0,9m – 1,8m hoặc không có phản ứng gì trước tiếng nói.
Trẻ từ 1 – 1,5 tuổi
Trẻ không sử dụng được một số từ đơn giản như bà, mẹ… hoặc không thể phân biệt các bộ phận khi được gợi ý.
Với trẻ 2 tuổi
Trẻ không thể làm theo những yêu cầu đơn giản mà thiếu những gợi ý bằng hình ảnh, hành động hoặc không thể lặp lại các cụm từ.
Với trẻ 3 tuổi
Trẻ không thể định hướng được nơi phát ra âm thanh hoặc không hiểu và không sử dụng được những từ như đơn giản.
Để chắc chắn nhất, ba mẹ vẫn nên đưa bé đi chuyên khoa thính học , kết hợp thăm khám lâm sàng với các máy đánh giá chức năng nghe sẽ đưa ra kết quả chắc chắn nhất.
Điều trị điếc ở trẻ em
Nếu đã phát hiện trẻ bị điếc, cần phải điều trị sớm để giảm tác hại do điếc. Tùy theo từng nguyên nhân gây giảm thính lực mà điều trị.
- Nếu giảm thính lực do tai ngoài: Do nước vào tai, ráy tai bị nở ra bít kín đường truyền âm thanh đến màng nhĩ. Điều trị bằng cách lấy ráy tai ra trẻ sẽ nghe lại bình thường.
- Điếc do tai giữa: Tắc vòi nhĩ, viêm tai giữa thanh dịch, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai giữa thủng màng nhĩ. Điều trị bằng cách dùng thuốc và phẫu thuật vá màng nhĩ.
- Điếc do bệnh lý ở tai trong: Điếc đột ngột thường gặp sau một đêm ngủ dậy. Đây là một cấp cứu Tai Mũi Họng, vì kết quả điều trị rất khác nhau tùy thuộc thời gian đến sớm hay muộn.
- Mọi trường hợp điếc từ nhẹ, trung bình, hay điếc nặng, điếc sâu mà chưa có điều kiện để cấy ốc tai điện tử, thì cần cho trẻ dùng máy trợ thính càng sớm càng tốt.
- Nếu trẻ điếc bẩm sinh và điếc trước khi học nói thì thời gian bắt đầu cấy ốc tai điện tử rất quan trọng, phải cấy ốc tai điện tử trước 5 tuổi, tốt nhất là cấy từ 1 tuổi – 3 tuổi vì đây là giai đoạn vàng để trẻ học nói.
Trên đây là một số thông tin cơ bản mà phụ huynh cần biết về tình trạng điếc ở trẻ em. Hy vọng có thể giúp ba mẹ có những góc nhìn rõ ràng hơn, cũng như biết cách chăm sóc và điều trị sớm cho trẻ.