Song song với việc luyện nghe cho trẻ khiếm thính, cần huấn luyện cho trẻ nói. Vấn đề đặt ra rất khác nhau tùy theo mức khiếm thính của trẻ. Đối với những trẻ khiếm thính nặng chưa hề có ngôn ngữ thì sự huấn luyện đó gọi là “giải câm”. Đó là quá trình huấn luyện mà người ta tiến hành trong các viện hay trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính từ 4 đến 7 tuổi.
Người huấn luyện trong suốt quá trình cần làm cho trẻ khiếm thính nhận thức được bằng nhiều tiêu chí – các mặt đối lập của các âm vị cùng những phương thức khác nhau của cấu âm. Cần đưa các âm vị này vào trong các câu nói để luyện tập từng bước cho trẻ phân biệt được những biến đổi của cử động phát âm toàn bộ theo với vị thế cấu âm của các âm vị, âm này so với các âm khác.
Kỹ thuật giải câm đòi hỏi người huấn luyện phải có những kiến thức vững vàng về ngữ âm học và âm vị học. Trước tiên phải tập cho trẻ khiếm thính ý thức được từng bước các yếu tố âm thanh nghĩa là các tư thế bắp thịt sử dụng để phát ra các âm thanh. Nếu trẻ còn có những phần thính giác còn sót lại thì việc giám sát một phần bằng tai nghe sẽ giúp cho trẻ được rất nhiều trong việc học tập đó; còn đối với những trẻ thính giác không còn sử dụng được thì việc nhận thức có thể được tiến hành bằng đường xúc giác hay thị giác (nhờ các máy cho phép chuyển các tín hiệu âm thanh của lời nói thành hình hay cảm giác rung).
Nếu như việc dạy cấu âm là cực kỳ quan trọng đối với trẻ khiếm thính thì khâu này cũng chưa phải cần được tiến hành trước tiên mà hợp lý hơn là phải tiến hành khâu huấn luyện tâm lý (khả năng cộng tác, khả năng tập trung chú ý, lòng ham muốn giao tiếp bằng lời nói v.v…) và huấn luyện thính giác (tiếp xúc với âm thanh, phân biệt âm thanh, nhận dạng âm vị v.v…Tuy nhiên không quá chậm đối với huấn luyện thính giác.
Huấn luyện cấu âm đòi hỏi một quá trình lâu dài về thời gian, đòi hỏi ở người huấn luyện cũng như trẻ khiếm thính hết sức kiên nhẫn và đặc biệt phải uốn sửa luôn; ngay cả khi trẻ đã đạt tới một mức độ giao tiếp hiểu được thì luôn luôn cũng còn phải uốn nắn về các mặt nhịp điệu (nói nhanh hoặc chậm), giai điệu (cao độ giọng không thích hợp), âm sắc (khắc phục âm sắc mũi của giọng) của lời nói.
Trong luyện cấu âm cho trẻ khiếm thính, cần chú ý hai yếu tố:
- Tư thế cấu âm, nghĩa là cấu âm đúng.
- Sự phát triển của câu nói trong thời gian, nghĩa là giai điệu và nhịp điệu của lời nói nghiêm chỉnh.
Vì nhiều khi, ngay cả khi các âm vị được cấu âm đúng lời nói của trẻ khiếm thính vẫn không thể hiểu được do trẻ nói quá nhanh hay quá chậm hoặc nhấn mạnh bất thường với một giai điệu sai lạc hay mọi biến hỏng khác của toàn bộ âm hưởng câu nói.
Cao độ của giọng nói còn được uốn sửa một cách đúng đắn bằng cách huấn luyện cho trẻ biết nhận thức những thay đổi về cao độ của âm thanh quản, hoặc nhờ một máy tăng âm, hoặc nhờ một khối rung hay bằng các phương pháp phân tích.
Cường độ của phát âm tạo ra những trạng thái của nhịp điệu mà ta cần giúp đỡ trẻ nhận thức bằng kết hợp với tiếp nhận thị giác (ví dụ sử dụng máy chuyển cường độ song âm thành những nấc sáng khác nhau trên một cột có gắn nhiều bóng đèn).
Cần thiết phải giúp cho trẻ nhận thức được các vị thế đặc trưng cả bằng sử dụng điệu bộ lẫn tiếp nhận âm thanh, để trẻ nắm được cử động thích nghi cho cách phát âm đúng; Tuy nhiên nên tránh không cho các vị thế đó tồn tại trong lời nói bình thường. Ví dụ: tập cho trẻ biết xì hơi trong dạy cấu âm “x”, nói chung nên tránh không quá cường điệu các động tác đặc trưng của cấu âm như : không nên có các cử động rung đặc biệt của lưỡi khi dạy cho trẻ phát âm “X”, tôn trọn khoảng thời gian cần phải duy trì như đối với các phụ âm tắc v.v…
Tóm lại: huấn luyện nói cho trẻ khiếm thính nhất thiết phải hết sức kiên nhẫn, hiểu biết trẻ nhận thức từ ngữ mà mình dạy như thế nào? Trẻ phân loại từ ngữ đó ra sao? Sự giúp đỡ mà trẻ cần thiết để cho ngữ nghĩa được hình thành. Tất cả những điều đó đòi hỏi một trình độ cao và đầu tư nhiều suy nghĩ của người huấn luyện. Luyện nói cho trẻ khiếm thính không thể đi chệch phương hướng: nếu như sự tiếp nhận và diễn đạt bằng lời nói là chìa khóa của ngôn ngữ thì chỉ những kết quả về dạy nói cho trẻ mới thực sự giúp cho trẻ khiếm thính trở thành thông minh, có tư duy và mới có thể ngang hang được với những trẻ bình thường
Trích từ :” Bài giảng thính học” 1989 – Viện tai mũi họng – Ủy ban II Hà Lan